Ngành dệt may chưa tận dụng được cơ hội
Được kỳ vọng hưởng lợi lớn khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, tuy nhiên, theo các DN dệt may, do vướng về quy tắc xuất xứ, việc tận dụng cơ hội từ CPTPP là rất khó khăn.
Gia công hàng may mặc tại Công ty TNHH May Tân Mỹ. |
Theo quy định của CPTPP, quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”. Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa sẽ được cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi. Đây là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để DN được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu trong CPTPP. Tuy nhiên, với ngành dệt may, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì hiện nay các DN đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Là một DN may mặc lớn của tỉnh với sản lượng xuất khẩu hàng năm của Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) đạt từ 900-1.200 sản phẩm, xuất sang các thị trường như Úc, Đức, Mỹ, Nga, Thụy Điển… Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ cho biết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đang thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa một cách mạnh mẽ giữa các nước tham gia, trong đó có ngành may mặc của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế hiện các DN ngành may mặc khó được hưởng lợi. Nguyên nhân là do Trung Quốc không phải là thành viên của CPTPP nhưng hiện nay các DN trong tỉnh phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu vải từ nước này và các nước ngoại khối. Như vậy, nếu áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn” (nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP), nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ, hàng hóa Việt Nam xuất đi không được hưởng ưu đãi thuế.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Ngại, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ): Hiện các sản phẩm may mặc của các công ty chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Đức, Pháp, Nga và Úc. Vậy nên, xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP không giúp gì cho DN khi 60% sản phẩm của DN đều xuất sang thị trường Mỹ (không phải thành viên CPTPP), 30% còn lại là Pháp, Nga và Úc chỉ chiếm 10%.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, từ nay đến 2020, cần thêm 1,7 tỷ mét vải phục vụ sản xuất, nếu không nhập khẩu thì phải có 1,7 tỷ USD để đầu tư sản xuất vải. Đến 2025, cần 10 tỷ mét vải, thì tương ứng cần 10 tỷ USD vốn đầu tư. Hơn lúc nào, ngành dệt may cần có một chiến lược cho đầu tư sản xuất vải, muốn thế thì phải có các khu công nghiệp để thu hút vốn FDI, vốn trong nước vào nhuộm, có nhuộm rồi thì mới có vải, mới tận dụng được ưu đãi thuế trong CPTPP. |
Theo báo cáo của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 32 DN ngành may mặc nhưng có tới 28 DN phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong đó, khoảng 70-75% nhập từ Trung Quốc, còn lại từ các DN nước ngoài không thuộc khối CPTPP. Đây được xem là một trong những thách thức lớn của các DN ngành may mặc khi chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu. Trước những vướng mắc trên, để ngành may mặc tận dụng được các cơ hội từ CPTPP mang lại, các DN đề xuất, tỉnh cần thúc đẩy kêu gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển và giúp DN chủ động đơn hàng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là lĩnh vực dệt nhuộm thuộc danh mục hạn chế thu hút đầu tư của tỉnh. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để hỗ trợ các DN ngành dệt may, tỉnh đang từng bước tháo gỡ và khắc phục khó khăn trên. Theo đó, tới đây, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Cụ thể, tạo mối liên kết giữa các DN lớn với các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh hợp tác sản xuất, gia công; phát triển thêm nhiều công ty sản xuất sợi, nguyên vật liệu để tạo tính cạnh tranh trong việc cung cấp các sản phẩm sợi; tạo thuận lợi về hành lang pháp lý theo hướng đơn giản cho DN, có chính sách ưu đãi đặc thù cho ngành công nghiệp dệt may. Sắp tới Sở Công thương sẽ tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn DN có thể tìm hiểu rõ hơn những điều kiện, lợi ích của CPTPP, từ đó DN có lộ trình thực hiện để tận dụng được những cơ hội từ hiệp định đem lại.
Ngoài ra, các DN dệt may cũng phải chủ động nguyên phụ liệu sản xuất để đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ như xây dựng chuỗi liên kết cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất. Mặt khác, phải phát triển công nghệ, xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB (tham gia vào quá trình sản xuất) và hướng đến các công đoạn cao hơn để gia tăng giá trị đó là ODM (tự thiết kế, tự sản xuất) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: