Phát triển làng nghề Hà Nội: Lượng đi đôi với chất
“Mở” tối đa cơ chế, đặc biệt là cơ chế liên quan đến vốn, nhân lực, cơ sở hạ tầng…, Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các làng nghề trên địa bàn thành phố phát triển.
Sản xuất tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng
Theo thống kê của Sở Công Thương TP. Hà Nội, từ năm 2010 – 2015, số lượng làng nghề đã tăng mạnh từ 1.280-1.350 làng. Trong đó, 250 làng thuần nông được cấy nghề và hiện nay các nghề này vẫn được duy trì và phát triển.
Cùng với sự gia tăng về số lượng, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề ngày càng tăng, Năm 2015, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề dự kiến đạt gần 14.000 tỷ đồng. Có những làng nghề vượt mốc “trăm tỷ” như: Làng nghề dệt kim La Phù (Hoài Đức) đạt 810 tỷ đồng/năm; dệt, nhuộm Ỷ La (Hà Đông) đạt 410 tỷ đồng/năm; gốm sứ Bát Tràng 360 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai (Hoài Đức) 179 tỷ đồng/năm…
Sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của khu vực làng nghề là nhờ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính quyền thành phố. Cụ thể, thành phố đã xây dựng hàng loạt chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho các làng nghề phát triển như: Đề án phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của làng nghề Hà Nội giai đoạn 2013-2020; Chương trình mỗi làng một sản phẩm phục vụ xuất khẩu và nội địa giai đoạn 2012-2015…
Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã hỗ trợ xây dựng 16 mô hình trình diễn kỹ thuật tại các doanh nghiệp; hỗ trợ 60 cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 13 đề tài nghiên cứu và 1 dự án sản xuất thử nghiệm. Kết quả, một số làng nghề như Bát Tràng đã dùng lò nung gas thay cho lò than; các làng nghề Kiêu Kỵ, Phú Yên đã đưa máy móc chuyên dụng vào công đoạn may da, giả da…
Thành phố cũng linh hoạt thực hiện các chính sách liên quan đến tín dụng như mở tối đa cơ chế đối với các doanh nghiệp, làng nghề; chỉ đạo, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất. Trong 5 năm với 4 lần giảm lãi suất cho vay từ 17-18%/năm xuống còn 8%/năm. Theo đó, dư nợ cho vay phát triển làng nghề không ngừng tăng trưởng. Tính đến hết tháng 6/2015, dư nợ cho vay của khu vực này đã đạt 6.299 tỷ đồng.
Để giải quyết bài toán mặt bằng cho sản xuất tại các làng nghề, giai đoạn 2010-2015 thành phố đã thành lập mới 5 cụm công nghiệp, mở rộng 1 cụm, nâng tổng số cụm công nghiệp được thành lập trên địa bàn thành phố lên 107 cụm.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2016- 2020 khu vực này tiếp tục là đối tượng ưu tiên cho phát triển của thành phố. Theo đó, thành phố phấn đấu đưa tỷ trọng sản xuất nghề, làng nghề đạt 8,5% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thành phố; nâng tổng số làng có nghề lên 1.400 làng; phát triển 10 làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch; xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Các sản phẩm có thế mạnh của thành phố như: Gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan, sơn mài, dệt lụa, khảm trai… là những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ phát triển.
Để thực hiện những mục tiêu đã đưa ra, thành phố sẽ tiếp tục rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách; thực hiện tốt các chính sách đã có về khuyến khích phát triển làng nghề; tập trung giải quyết vốn cho phát triển làng nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; khoa học công nghệ, môi trường. Đặc biệt, để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững, phát triển chuyên nghiệp, thành phố sẽ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hiệp hội, câu lạc bộ tại các làng nghề…
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 287 làng nghề đã được công nhận, số lượng hộ sản xuất là 175.889 hộ. Các làng nghề hiện phát triển mạnh đều thuộc nhóm nghề: Gốm sứ, khảm trai, mây tre đan, sơn mài, điêu khắc… |
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: