Phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến: Nhiều mục tiêu mới
Nhằm thực hiện Ðề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã có thông báo để các bộ, ngành liên quan, các tổ chức khoa học và công nghệ; các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện trong kế hoạch năm 2016.
Cần tích cực ứng dụng công nghệ sinh học |
Mục tiêu chính của đề án là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; tiếp cận, làm chủ và phát triển nhanh công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô công nghiệp; sản xuất và ứng dụng các loại enzym (bao gồm cả enzyme tái tổ hợp) phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến; tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của công nghệ sinh học, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đầu tư tăng cường tiềm lực (về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực) kết hợp khai thác có hiệu quả nguồn tiềm lực đã được đầu tư để phát triển công nghệ sinh học.
Theo đó, về công nghệ vi sinh: Tiếp tục nghiên cứu tạo các chủng vi sinh vật có khả năng lên men đạt hiệu suất cao, chất lượng tốt và ổn định, ứng dụng trong sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ lên men; thiết kế và chế tạo thiết bị lên men (quy mô vừa và nhỏ) để sản xuất, chế biến thực phẩm (bia rượu, nước giải khát, nước chấm, thịt, cá và các nông, lâm, thủy, hải sản khác), thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, nguyên liệu hóa dược, hàng tiêu dùng… bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường; hoàn thiện công nghệ, thiết bị để sản xuất (quy mô thử nghiệm, quy mô vừa và nhỏ) các chế phẩm vi sinh (sinh khối vi sinh vật, các chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm, axít hữu cơ, axit amin, protein đơn bào và đa bào…) phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, nguyên liệu hóa dược, hàng tiêu dùng…; kiểm soát chất lượng nguyên liệu và các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ công nghệ biến đổi gen.
Ðề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/1/2007. Theo thông báo của Bộ Công Thương, thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký đề xuất nhiệm vụ thực hiện trong kế hoạch năm 2016 là ngày 16/3/2015. |
Đối với công nghệ enzym và protein: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, thiết bị ứng dụng enzym (quy mô vừa và nhỏ) để sản xuất và chế biến thực phẩm (các loại đường, tinh bột, bia rượu, nước chấm, nước giải khát và các nông, lâm, thủy, hải sản khác), thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, nguyên liệu hóa dược, hàng tiêu dùng… bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị để sản xuất thử nghiệm các chế phẩm enzym và protein (ở quy mô vừa và nhỏ) phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, nguyên liệu hóa dược, hàng tiêu dùng; nghiên cứu và tổ chức sản xuất thử nghiệm một số loại enzym tái tổ hợp; nghiên cứu và sản xuất dây chuyền thiết bị đồng bộ ứng dụng enzym và protein trong công nghiệp chế biến (quy mô vừa và nhỏ).
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đề án cũng nêu rõ việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề tài, dự án… hợp tác quốc tế về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm của công nghệ sinh học phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến.
Theo Báo Công Thương
CÁC TIN TỨC KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC: