Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện gia đình liệt sỹ |
Tại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã đề nghị Chính phủ ra sắc lệnh truy tặng 5 liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc tại quận Cái Răng (Cần Thơ) trước đó 1 tuần. Đây chính là văn bản đầu tiên của nước ta về công tác thương binh, liệt sỹ, khơi tiếp mạch đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Càng cảm động hơn nữa khi Chính phủ tán thành sắc lệnh đó nằm ở vị trí số 1 trong các chủ đề thảo luận của phiên họp Chính phủ hôm đó. 5 liệt sỹ có tên trong đề nghị ra sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: Lê Binh Nguyên, Lê Quang Trinh, Lê Nhut Tao, Cao Minh Lôc, Trân Chiên (viết theo đúng biên bản). Có thể nói, họ chính là những liệt sỹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lúc ấy mới chỉ là Chính phủ lâm thời, còn biết bao công việc bộn bề trong bối cảnh thù trong giặc ngoài nhưng đã sớm nhận ra việc cần kíp của công tác chia sẻ, động viên các gia đình có người thân đã hy sinh vì nước.
Sau đó một tháng, trong thư “Gửi các chiến sỹ Nam bộ và Nam phần Trung bộ tháng 12/1945”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
Trong năm 1947, năm đầu tiên của cuộc kháng chiến thần thánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một loạt sắc lệnh liên quan đến công tác thương binh liệt sỹ, đặc biệt là đề xuất chọn một ngày làm Ngày thương binh toàn quốc (từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh – liệt sỹ cho đến hôm nay).
Tròn 7 thập kỷ kể từ ngày những anh hùng liệt sỹ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên được tôn vinh, trong bất kỳ bối cảnh nào của lịch sử và ở bất kỳ nơi đâu, công tác chăm sóc, động viên, tri ân thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công luôn nằm trong số những ưu tiên cao nhất của nhân dân và chính quyền các cấp.
Mới đây tại lễ trao bằng Tổ quốc ghi công do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động cho biết, trong số các liệt sỹ vừa được công nhận, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm, đến nay mới được công nhận liệt sỹ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có giấy tờ, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ.
Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, nhiều thương, bệnh binh và thân nhân gia đình liệt sỹ đã cố gắng vươn lên, tự lực trong lao động, sản xuất, học tập và cuộc sống. Họ không những đã tạo ra việc làm cho mình và gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng bào và con em của họ, tạo dựng nên cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn, làm đúng theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn mà không phế”.
Nữ thi sĩ Nga Olga Bergolts năm 1959 khi đến nghĩa trang Piskaryovskoye ở Leningrad (nay là thành phố St-Petersburg) tưởng niệm những người đã hy sinh để bảo vệ thành phố Leninrgad trong chiến tranh thế giới thứ hai đã mở đầu bài thơ tưởng niệm bằng câu: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”. Chúng ta cũng có thể nói như thế về những người con đã chiến đấu và hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.
Theo Báo Công Thương.